Cố cung, hay còn gọi là Tử Cấm Thành là cung điện hoàng gia của 2 triều đại Minh, Thanh tại Trung Quốc. Tử Cấm Thành có diện tích xây dựng khoảng 150.000 mét vuông, với hơn 70 cung điện lớn nhỏ và hơn 9.000 căn phòng, dành cho thành viên hoàng gia và các cung nữ, thái giám sinh sống.
Người xưa nói con người có thể một ngày không ăn nhưng không thể một ngày nhịn uống, vì nước là tinh hoa của thực phẩm. Vậy, hàng chục nghìn người sống trong Tử Cấm Thành thời cổ đại không có đường ống nước máy thì giải quyết vấn đề nước sinh hoạt như thế nào?
Dữ liệu chính thức cho thấy có hơn 70 giếng nước trong Tử Cấm Thành, cách bố trí các giếng ngầm này cũng rất hợp lý. Có thể thấy những người thiết kế Tử Cấm Thành ban đầu muốn dùng 70 cái giếng này để cung cấp nước uống cho các thành viên sinh sống tại đây. Tuy nhiên, kể từ khi nhà Thanh lên nắm quyền, nước uống tại Cố Cung không lấy từ giếng. Thay vào đó, nước được vận chuyển từ núi Ngọc Tuyền tới, mất rất nhiều công sức.
Xu Ke, một học giả cuối thời nhà Thanh và đầu thời Trung Hoa Dân Quốc ghi nhận: “Nếu nước uống trong cung, thì chỉ lấy từ núi Ngọc Tuyền”. Một nửa lượng nước lấy từ núi Ngọc Tuyền trong Tử Cấm Thành là vào sáng sớm. Vào thời điểm đó, cổng thành Bắc Kinh đã bị đóng. Vì vậy, xe chở nước chỉ có thể vào thành từ Tây Trực Môn và được vận chuyển một cách hùng hậu đến Tử Cấm Thành. Do vậy, dân gian gọi cổng Tây Trực là “Cổng Nước”.
Mọi người sống ở Bắc Kinh đều biết rằng khoảng cách từ núi Ngọc Tuyền đến Tử Cấm Thành là khoảng 30 km. Vào thời nhà Thanh, điều kiện đường sá và giao thông rất bất tiện, có thể nói khoảng cách này tương đối dài. Vì vậy, nhiều người không khỏi đặt câu hỏi: Tại sao các hoàng đế nhà Thanh lại chọn nơi xa xôi như núi Ngọc Tuyền thay vì nguồn nước từ giếng ngầm trong Tử Cấm Thành?
Thực ra câu hỏi này không khó trả lời, những ai từng đến Cố Cung du lịch có thể thuê một máy giải thích ở quầy vé. Máy này sẽ dựa vào tọa độ mà bạn đi qua để đưa ra lời giải thích tương ứng. Câu trả lời cho câu hỏi trên rất đơn giản: Để đảm bảo an toàn cho các thành viên hoàng gia, nhà Thanh chọn lấy nước từ núi Ngọc Tuyền. Giếng trong Tử Cấm Thành không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Nếu ai tìm hiểu sẽ biết tất cả các hoàng đế nhà Thanh đều thích uống trà. Có thể nói Khang Hy và Càn Long đều là những người sành trà hàng đầu. Không chỉ dùng để pha trà, ngay cả nước để hoàng đế rửa mặt vào buổi sáng cũng lấy từ núi Ngọc Tuyền.
Phòng ăn của hoàng đế, phòng trà của hoàng gia, phòng trà của hoàng hậu hay của các cung điện khác… cũng như các căn bếp nhỏ của hậu cung, phi tần không bao giờ sử dụng nước từ các giếng ngầm trong tử Cấm Thành. Tất cả những nơi này đều dùng nước suối lấy trên núi Ngọc Tuyền. Không chỉ hoàng đế, hoàng hậu, tam cung lục viện mà ngay cả các cung nữ, thái giám cũng không uống nước giếng ngầm.
Trong những năm gần đây, nhiều bộ phim truyền hình cung đấu như Chân Hoàn Truyện, Bộ Bộ Kinh Tâm, Hậu Cung Như Ý Truyện… đều nói về cảnh hậu cung tranh sủng. Như mọi người đều biết, qua phim truyền hình chúng ta chỉ mới hiểu một phần về cuộc sống hậu cung. Thực tế cung đấu còn tàn nhẫn, phức tạp và trầm trọng hơn trong phim rất nhiều. Những cuộc đấu đá này tự nhiên đã liên quan đến các giếng nước trong Cố cung. Tam cung lục viện và 72 phi tần tranh đấu tranh sủng, chỉ cần một phi tần không vui, lén bỏ thuốc vào giếng nước nào đó thì rất khó phát hiện vì không thể canh giữ những giếng ngầm này suốt 24 giờ. Vì vậy, từ hoàng đế đến cung nữ, thái giám đều hiếm khi uống nước ở giếng.
Khoa học công nghệ thời xưa chưa phát triển, để đảm bảo an toàn cho những người trong Tử Cấm Thành, những giếng nước dần mất đi mục đích ban đầu là làm nước uống. Bởi không ai dám uống, nước tại những giếng ngầm này chủ yếu có tác dụng phòng cháy chữa cháy cho Tử Cấm Thành.
Tags: #chuyenla #tucamthanh,giengnuoc
Hệ thống phân loại: Chuyện lạ;Tử Cấm Thành, giếng nước
Theo nguồn: https://tinmoi.vn/tu-cam-thanh-co-hon-70-cai-gieng-sao-khong-ai-dam-uong-nuoc-ben-trong-d309-011636039.html. Được đăng tải ngày: 2023-11-10.