Bảo Thịnh (20 tuổi, học chuyên ngành Quản trị logitics) đang cùng một người bạn kinh doanh bánh mì theo mô hình xe take-away (mua mang về). Anh cho biết mục đích mở “xe bánh mì” là để học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và không đặt nặng lợi nhuận.
“Từ số vốn nhỏ sẵn có, tôi muốn tiếp thu những bài học trên trường qua trải nghiệm thực tế. Chưa nói trước được điều gì nhưng cũng hy vọng rằng trong tương lai, mô hình này sẽ được nhân rộng”, nam sinh chia sẻ.
Bảo Thịnh cho rằng việc kinh doanh này sẽ thất bại, bởi theo quan điểm cá nhân, nam sinh nhận định kinh tế đang trong giai đoạn suy thoái, mô hình anh đang thực hiện không quá mới mẻ, cốt lõi chỉ để trải nghiệm nên chắc chắn không trụ nổi. Tuy nhiên, không vì thế mà chàng trai 2k3 có ý định bỏ cuộc.
“Trước đây, tôi chỉ tập trung tham gia vào những CLB của trường, chủ yếu để phát triển bản thân. Hiện tại cũng vậy, tôi luôn định hướng phải hoàn thành thật tốt những việc nhỏ nhặt nhất để tạo bước đệm làm những việc lớn hơn. Với phương châm đó, bản thân tôi luôn vạch ra hướng đi rõ ràng trong tương lai gần và xa. Có thể, vào một thời điểm nào đó sau này, các bạn sẽ được nhìn thấy mô hình xe bánh mì của tôi phát triển”, nam sinh bộc bạch.
Lê Vy (21 tuổi, sinh viên năm cuối ngành Truyền thông Đa phương tiện) kể từng khởi nghiệp kinh doanh bằng công việc bán quần áo. Theo kế hoạch vạch sẵn, thời gian đầu, cô nhập về số lượng nhỏ một vài mẫu quần áo được giới trẻ ưa chuộng, rồi đăng bán trực tuyến, sau đó sẽ từ từ tính đến chuyện mở cửa hàng.
Trong hai tháng đầu, công việc kinh doanh của Lê Vy trở nên suôn sẻ, lợi nhuận thu về ngoài sự mong đợi. Tuy nhiên, đến tháng thứ ba, nữ sinh bắt đầu than vãn vì tệp khách cũ không còn ổn định, ngoài ra cô còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn khách hàng mới. Cô tâm sự:
“Những tháng đầu tiên, đa phần những người mua hàng của tôi là bạn bè, người thân, có lẽ họ chỉ ủng hộ. Tôi chủ quan nên không quảng bá nhiều”.
Dần dần sau đó, Lê Vy không còn nhập hàng về như trước mà phải đợi có khách mua mới order. Đến tháng thứ 5, khi cảm thấy quá chán nản với công việc vì gặp nhiều trở ngại, nữ sinh ngành truyền thông quyết định bỏ cuộc.
“Một phần để chú tâm vào việc học, nhưng chủ yếu vì công việc kinh doanh không còn được hiệu quả. Dự định trong tương lai gần của tôi là mở shop quần áo nhưng tôi đành phải gác lại”, cô chia sẻ.
Giống như Lê Vy, Khả Ái (20 tuổi) chọn kinh doanh trực tuyến với sản phẩm dầu gội đầu, sau khi có nguồn thu ổn định mới tính đến việc mở cửa hàng. Thời gian đầu, Khả Ái nhập dầu gội đầu số lượng vừa đủ, dùng thử cảm thấy phù hợp rồi giới thiệu đến người quen sử dụng với giá bán “lãi ổ bánh mì”.
Theo chiến lược đề ra, Khả Ái sẽ cung cấp cho bạn bè, người thân dùng thử. Khi đã trải nghiệm sản phẩm với đánh giá tốt, họ sẽ chủ động giới thiệu những người khác đến mua sản phẩm của cô.
Khả Ái cho biết, dầu gội của cô được làm từ bồ kết – thành phần thiên nhiên – nên rất tốt cho da đầu cũng như hầu hết mọi loại tóc. Tuy nhiên, vì sản phẩm này chưa được phổ biến nên bản thân cô muốn một lần thử sức “khởi nghiệp”.
Từng có giai đoạn nữ sinh Đại học muốn bỏ cuộc nhưng vì được gia đình động viên nên cô vẫn tiếp tục. Ở thời điểm hiện tại, bên cạnh việc quảng bá mặt hàng thông qua những người thân quen thì cô còn đăng bài trên Facebook, cung cấp đầy đủ giấy tờ kiểm định sản phẩm nhằm tạo lòng tin khách hàng.
Ngày nay, giới trẻ thường có những suy nghĩ, ý tưởng táo bạo trong việc khởi nghiệp. Một số người chấp nhận thất bại để học hỏi kinh nghiệm, tạo nền tảng cho tương lai, số khác lại ham muốn làm giàu mà đôi khi thiếu kiến thức nền tảng, dẫn đến sai lầm buộc phải “đứt gánh” giữa chừng.
Tuy nhiên, việc khởi nghiệp ở Gen Z vẫn được ủng hộ. Từ thất bại ban đầu sẽ giúp nhiều bạn trẻ trau dồi thêm kiến thức, rút kinh nghiệm để phát triển bản thân hơn trong tương lai.
“Thất bại là mẹ thành công, ở độ tuổi này hãy làm những gì mình muốn, bạn chỉ thất bại khi bạn ngừng cố gắng, nỗ lực”, Bảo Thịnh kết.
“Khi Gen Z đi làm”là tuyến bài mới của Tạp chí điện tử SAOstar, với chủ đề cùng tên cùng những câu chuyện xoay quanh chuyện đi làm của thế hệ Z.
Tại đây, chúng tôi không chỉ chia sẻ câu chuyện mà còn “bóc tách” nhiều nội dung liên quan, giúp độc giả có những thông tin đa chiều và chính xác.
Tags: #nguoitre #genz #genz #khoinghiep #genzkhoinghiep #khigenzdilam
Hệ thống phân loại: Người trẻ;Gen Z;GenZ;khởi nghiệp;gen z khởi nghiệp;Khi Gen Z đi làm
Theo nguồn: https://www.saostar.vn/nguoi-tre/khi-gen-z-khoi-nghiep-biet-truoc-that-bai-van-dam-dau-vi-sao-vay-202305182351429816.html. Được đăng tải ngày: 2023-05-19.