Hàng loạt vụ án đau lòng do trầm cảm sau sinh
Mới đây, người ta không khỏi bàng hoàng, xót xa trước vụ việc mẹ trẻ dìm 2 con nhỏ xuống sông tử vong.
Khoảng 10h sáng ngày 8/3, người ta thấy tại khu vực mép sông Ninh Cơ chảy qua địa bàn thôn Quần Khu (xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), một người phụ nữ trẻ đang dìm 2 con nhỏ của mình xuống nước.
Người dân liền trình báo đến chính quyền và đưa 2 cháu đi cấp cứu nhưng các cháu bé đã tử vong trước đó. Công an xác định, người phụ nữ này là V.T.L. (sinh năm 1991, trú xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định).
Công an xác định, V.T.L. từng là giáo viên Trường tiểu học xã Trực Cường. Khoảng tháng 9/2022, L. thấy áp lực trong công việc nên đến ngày 30/11/2022, L. nộp đơn xin thôi việc và bắt đầu nghỉ làm từ ngày 16/12/2022.
Trong thời gian này, L. có biểu hiện không muốn tiếp xúc với mọi người trong gia đình, đồng nghiệp, ngày 29/11/2022, anh T.V.Kh. (chồng L.) đưa L. đến Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội để khám bệnh. Tại đây, L. được chẩn đoán bệnh “rối loạn thần cấp và nhất thời”.
Bác sĩ đề nghị L. nhập viện để theo dõi điều trị nhưng L. không đồng ý. Bác sĩ có kê thuốc cho L. tự uống, điều trị ở nhà và hẹn sau 10 ngày đến khám lại.
Ngày 6/3/2023, L. luôn cảm thấy mình không có mục đích sống và có ý định tự tử. Cùng với đó là lo sợ, sau khi chết sẽ không có ai chăm sóc, dạy dỗ 2 người con gái khiến các bé hư hỏng, vướng vào các tệ nạn xã hội. L. nảy sinh ý định tự tử cùng với 2 con gái rồi xảy ra sự việc đau lòng.
Mới đây, chiều tối 5/4, ông H.C.L. (68 tuổi, quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) hiện trú tại thôn Quan Nam 2, xã Hòa Liên, (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), vào nhà phát hiện 2 cháu nội nằm trên giường bất động. Qua kiểm tra, hai cháu đã tử vong.
Thời điểm xảy ra vụ việc, mẹ của hai cháu, chị T.T.M. (41 tuổi) không có nhà. Chị để lại một bức thư với nội dung vĩnh biệt người thân.
Chị M. từng có dấu hiệu bị trầm cảm sau sinh, đã từng đi chữa trị tại bệnh viện tâm thần. Thời điểm xảy ra vụ việc, chồng chị đang đi làm xa ở Quảng Ngãi.
Chị M. sau đó được phát hiện đã nhảy xuống sông Bà Rén (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) tự tử. Người dân phát hiện kịp thời và ứng cứu được chị M..
Liên tiếp các vụ án vô cùng thương tâm, xót xa liên quan đến trầm cảm sau sinh như một hồi chuông cảnh báo các gia đình cần quan tâm, tìm hiểu nhiều hơn về căn bệnh này.
Bệnh trầm cảm bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào?
Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết trong quá trình tiếp xúc, điều trị các vấn đề liên quan đến sinh sản, vô sinh, hiếm muộn của các cặp vợ chồng, đặc biệt là chị em phụ nữ, bác sĩ gặp không ít các trường hợp bị trầm cảm ở phụ nữ nói chung và trầm cảm sau sinh ở chị em phụ nữ nói riêng.
“Một số liệu đáng chú ý là trầm cảm hay gặp hơn ở nữ giới, nhiều hơn rất nhiều so với nam giới. Điều này được tạo ra bởi trầm cảm bị ảnh hưởng rất lớn từ nồng độ nội tiết tố nữ trong cơ thể.
Chị em phụ nữ thường được cho là “sáng nắng, chiều mưa, trưa ẩm ướt” không phải ngẫu nhiên, không phải do tính cách mà phần lớn bởi sự dao động nồng độ nội tiết tố theo chu kỳ kinh nguyệt”, bác sĩ Thành chia sẻ.
Theo bác sĩ Thành, nhiều chị em phụ nữ bị rối loạn tâm lý hay trầm cảm đi theo chu kỳ kinh nguyệt. Chu kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng sâu sắc đến cảm xúc của chị em phụ nữ.
Những ngày giữa chu kỳ kinh nguyệt chuẩn bị rụng trứng, chị em phụ nữ rất vui tươi, thích mặc gợi, thích gần gũi đàn ông và dễ thụ thai hơn.
“Đó là chọn lọc của mẹ tự nhiên, khuyến khích chị em ngày đó quan hệ để duy trì nòi giống cho sau này. Ngược lại, những ngày bắt đầu chuẩn bị hành kinh và ngày hành kinh là sự ám ảnh của chị em phụ nữ”, bác sĩ nhấn mạnh.
Bác sĩ Thành chia sẻ, đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đau bụng dữ dội. Nhiều bệnh nhân phải nghỉ làm, nhiều bạn trẻ thi cử cùng bị ảnh hưởng nếu rơi vào ngày kinh nguyệt.
“Thậm chí, thời tiết cũng là “kẻ thù” gây ảnh hưởng đến bệnh trầm cảm. Nhiều chị em phụ nữ, bệnh nhân bị trầm cảm theo mùa. Trong các liệu pháp điều trị trầm cảm có điều vô cùng miễn phí là việc ra tắm nắng.
Thời tiết càng trong xanh, ra tắm nắng, chị em phụ nữ sẽ càng vui tươi hơn. Đó cũng là cơ sở của liệu pháp chiếu đèn giống ánh sáng mặt trời giúp chị em phụ nữ có tâm trạng vui tươi hơn”, bác sĩ chia sẻ.
Tại sao chị em phụ nữ sau sinh thường dễ bị trầm cảm?
Lý giải về điều này, Bác sĩ Phan Chí Thành cho biết, chị em phụ nữ sau sinh thường quá mệt mỏi về thể chất sau khi vượt cạn thành công.
“Ngay sau sinh, nhiều chị em nghĩ bế con trên tay là xong, hết mệt rồi nhưng không phải, “đời không như mơ” vì sau sinh còn vất vả hơn gấp nhiều lần thời gian mang bầu và mang thai.
Đầu tiên là công việc cho con bú, điều này rất vất vả về thể chất. Thức đêm, mệt mỏi, nhiều chị em kiệt sức trong thời gian cho con bú.
Vấn đề lớn hơn ở thời kỳ cho con bú là trong thời gian cho con bú, chị em mất kinh hay mất kinh tạm thời, sự sụt giảm nội tiết trong thời gian cho con bú cũng là nguyên nhân tăng thêm khiến chị em bị trầm cảm”, bác sĩ Thành chia sẻ.
Theo bác sĩ, thời điểm cho con bú cũng là “kẻ thù” của tình cảm hai vợ chồng. Rất nhiều trường hợp người chồng ngã vào người thứ 3 trong thời điểm vợ cho con bú.
“Ta hay lên án người chồng ở thời điểm đó rằng: “Vợ đang chăm con nhỏ, mà còn như vậy”, nhưng thực tế các số liệu nghiên cứu đã chứng minh rằng những anh chồng mắc sai lầm đó cũng chịu nhiều áp lực, mệt mỏi khi ở nhà vợ tập trung toàn bộ vào việc chăm con, đi làm công việc vẫn nhiều như trước, áp lực tiền bạc xã hội… từ đó gây ra những yếu tố dẫn đến việc xung đột giữa 2 vợ chồng.
Chính từ những yếu tố từ thể chất, đến tâm lý, mối quan hệ đều gây tác động tiêu cực nghiêm trọng đến tâm trạng người phụ nữ, nhiều người dễ bị cảm thấy stress, trầm cảm”, bác sĩ cho biết.
Khi bị trầm cảm, nhiều người không có lối thoát, không tìm được ý nghĩa trong cuộc sống, từ đó nghĩ đến những giải pháp tiêu cực như tự tử hoặc đôi khi làm hại đến con.
Người thân có ảnh hưởng thế nào đến bệnh trầm cảm sau sinh ở phụ nữ?
Theo bác sĩ, một vòng xoáy bênh lý vô cùng nghiêm trọng đối với các bệnh nhân tâm thần là càng cần có sự âu yếm của gia đình, người thân, bạn bè và những người xung quanh.
Thường ở giai đoạn đầu tiên, bệnh ở mức độ nhẹ. Nhưng chính vì sự cách ly, không được chia sẻ, tâm sự với người thân, càng khiến bệnh trầm trọng hơn.
Do vậy, theo bác sĩ, vai trò, sự kết nối tâm sự với người thân, bạn bè là vô cùng quan trọng. Đặc biệt là sự kết nối với chồng cả về thể chất, tinh thần và tình dục.
Bác sĩ cũng nhấn mạnh, bệnh trầm cảm rất hay tái phát, trầm cảm ở phụ nữ càng tái phát nhiều hơn với tần suất cao và mức độ trầm trọng hơn.
Bác sĩ cũng khuyến cáo tình trạng nhiều chị em phụ nữ lười uống thuốc vì cho rằng uống thuốc sẽ để lại tác hại nghiêm trọng.
Nếu có dấu hiệu stress, trầm cảm, hãy đến gặp ngay các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, khi bác sĩ yêu cầu uống thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ tâm thần, tuyệt đối không được phép tự dừng thuốc trước khi có chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp dừng thuốc trầm cảm trước khi có chỉ định của bác sĩ dễ dẫn đến việc phản ứng ngược lại cực kỳ mạnh và gây ra các cơn trầm cảm mạnh hơn đối với phụ nữ.
Khi có những suy nghĩ tiêu cực, dấu hiệu trầm cảm hoặc thậm chí suy nghĩ tự tử, bắt buộc phải đến khám bác sĩ tâm thần càng sớm càng tốt và có lộ trình điều trị tuân thủ tuyệt đối.
Tags: #songkhoe #tramcam #chiemphunu #nguoithan #congviec #tramcam #tramcamsausinh #sausinh #metramcam #benhtramcam
Hệ thống phân loại: Sống khỏe;trầm cảm;chị em phụ nữ;người thân;công việc;trầm cảm;trầm cảm sau sinh;sau sinh;mẹ trầm cảm;bệnh trầm cảm
Theo nguồn: https://saostar.vn/song-khoe/hang-loat-vu-an-thuong-tam-do-tram-cam-bac-si-canh-bao-202304150822403286.html. Được đăng tải ngày: 2023-04-15.