Những ngày này, căn nhà của ông Đào Văn Hà tại thôn Đại Phùng (Đan Phượng, Hà Nội) luôn tấp nập “kẻ ra, người vào”. Không chỉ là “điểm hẹn” quen thuộc cũng giới chơi đồ cổ trên cả nước, đây còn là nơi ông Hà tiếp đón những vị khách muốn tận mắt nhìn thấy những hiện vật chiến tranh từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Ông Đào Văn Hà sinh năm 1959, từng có nhiều năm công tác tại Phòng An ninh Chính trị (Công an Thành phố Hà Nội). Năm 2015, ông về hưu với quân hàm Thượng tá. Chưa từng trải qua cuộc đời quân ngũ, nhưng cái duyên với thú sưu tầm hiện vật chiến tranh đã gắn bó và đeo đuổi ông hơn chục năm qua.
Chạm đến đam mê “cổ vật chiến tranh” là chạm tới tâm huyết, gan ruột của Thượng tá Đào Văn Hà.Dù đã từng tiếp đón nhiều phóng viên báo chí tới phỏng vấn, đưa tin, nhưng khi gặp chúng tôi, Thượng tá Đào Văn Hà lại ngồi xuống giãi bày, dốc lòng chia sẻ câu chuyện của ông với chất giọng say sưa, hào hứng.
Vốn là người có khiếu làm thơ, sáng tác nhạc nên ông Đào Văn Hà có mối quan hệ thâm tình với giới văn nghệ sĩ.Trong một lần thăm hoạ sĩ Phan Kế An (tác giả bức tranh “Nhờ một chiều Tây Bắc” nổi tiếng), ông tình cờ chứng kiến một người nước ngoài đang tìm mọi các để được mua một chiếc mũ sắt của lính Pháp trong thời chiến tranh Việt Nam với mức giá 1.000 USD.“Lúc đó tối thấy rằng các hiện vật chiến tranh có giá trị rất lớn, và thế là tôi quyết định sẽ bắt đầu sưu tầm các món đồ từ thời chiến một cách bài bản”, ông Đào Văn Hà kể.
Từ đó, ông Hà đi khắp cả nước, có khi sang tận Lào, Campuchia để tìm mua các hiện vật chiến tranh. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều người biết ông thích sưu tầm nên thậm chí còn mang di vật của mình đến tặng và gửi ông giữ hộ.
Mỗi lần tìm được một vật dụng thời chiến thuộc hàng “độc”, ông Hà đều mừng rõ như nhặt được vàng. Năm 2012, ông Hà ghé qua một tiệm bán đồ cổ ở Sơn Tây. Nhìn quanh, ông nhận ra một số vật dụng như mũ đồng của quân Cờ Đen hay một số đồ quân dụng của lính Pháp. Ngay lập tức, ông hỏi mua bằng được và thanh toán tiền ngay. Sau đó, người chủ cửa hàng tỏ ra tiếc rẻ, muốn đòi lại và không bán nữa nhưng ông Hà vẫn cương quyết và mang được 2 món đồ về. Nhiều kỷ vật chiến tranh đã được ông Hà mang trao tặng cho Bảo tàng Điện Biên Phủ, Khu di tích Hoả Lò,…
Bước vào không gian chứa hiện vật chiến tranh mà ông Hà dày công sưu tầm, nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ. Những chiếc bi đông, ăng – gô, vỏ đạn, ống nhòm, máy hữu tuyến…từ thời kháng chiến vẫn lặng im nằm đó, lưu giữ nhiều ký ức của một thời hoa lửa hào hùng.
Trong số các hiện vật, có những món đồ được ông Đào Văn Hà dành sự trân quý hơn cả. Nói như vậy bởi đó là những đồ vật của các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.Đơn cử như chiếc mũ cối của liệt sĩ Nguyễn Văn Cường (quê ở huyện Vũ Thư, Thái Bình). Theo ông Đào Văn Hà, liệt sĩ Cường hy sinh khi đang làm nhiệm vụ lái xe trên đường Trường Sơn vào năm 1968. “Một người bạn khác của anh Cường đã trao lại cho tôi chiếc mũ để lưu giữ và mong mọi người biết được những khó khăn, gian khổ và sự dũng cảm của những chiến sĩ lái xe trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, ông Đào Văn Hà nói.
Hay như chiếc thắt lưng bộ đội của liệt sĩ Đào Văn Khoa (chú họ của ông Đào Văn Hà). Liệt sĩ Khoa hy sinh tại đèo Hải Vân vào năm 1973. Di vật này được đơn vị của liệt sĩ Khoa mang về cho gia đình và gia đình đã giao lại cho “bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của ông Hà.
Năm 2014, ông Đào Văn Hà được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội vinh danh là “Trí thức quản lý tiêu biểu”
Với những món đồ sưu tầm được, ông Đào Văn Hà cũng chia sẻ đang ấp ủ đầu tư mở rộng quy mô không gian trưng bày, phần nào đó giúp giới trẻ hiểu thêm về giá trị lịch sử đấu tranh giữ nước của cha ông.
Tags: #cuocsong #chientranh,baotang,daovanha
Hệ thống phân loại: Cuộc Sống;chiến tranh, bảo tàng, Đào Văn Hà
Theo nguồn: https://tinmoi.vn/bao-tang-nho-trung-bay-chung-tich-chien-tranh-d309-011625608.html. Được đăng tải ngày: 2023-04-29.